46% doanh nghiệp vẫn chưa biết ích lợi của email

Theo Báo cáo toàn cảnh 15 năm Internet Việt Nam, sau 15 năm phát triển, Internet đã có tác động rất lớn đến các doanh nghiệp, tổ chức ở Việt Nam. Thống kê mới nhất của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho thấy, cả nước hiện có 520.000 doanh nghiệp với 100% doanh nghiệp có trang tin nội bộ, 90% sử dụng Internet. Dự kiến đến năm 2015, cả nước sẽ có 80% tỉnh/thành có sàn giao dịch thương mại điện tử địa phương, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, tham gia thương mại điện tử.

Tuy nhiên, kết quả khảo sát của VCCI cũng cho thấy có tới 46% số lượng doanh nghiệp cho rằng không biết sử dụng thư điện tử để làm gì và chỉ có 19% doanh nghiệp có website có chức năng giao dịch, tư vấn... Đa số các doanh nghiệp sử dụng Internet để tra cứu thông tin, 50% doanh nghiệp có ban lãnh đạo sử dụng kết nối mạng nội bộ, 2/3 sử dụng các phần mềm soạn thảo văn bản, phần mềm kế toán để hỗ trợ sản xuất kinh doanh... Trong đó, việc sử dụng các dịch vụ CNTT và ứng dụng thương mại điện tử trong doanh nghiệp còn rất thấp, có đến 85% không có nhu cầu và chưa có thói quen sử dụng tư vấn CNTT. Đó là chưa kể đến, website riêng của doanh nghiệp chủ yếu được dùng quảng bá hình ảnh, sản phẩm mà chưa tận dụng các lợi ích khác như hỗ trợ đặt hàng, mua hàng, tư vấn, thanh toán trực tuyến…

Các số liệu thống kê về Chính phủ điện tử tại nước ta cũng cho thấy những kết quả khá ấn tượng như 100% bộ, ngành có website riêng, 98,4% tỉnh, thành phố có cổng thông tin điện tử, 83,6% các thông tin chỉ đạo ban hành được đưa lên mạng, gần 90% máy tính tại các bộ và các cơ quan ngang bộ có kết nối Internet.

Đối với ngành y tế, báo cáo đánh giá tại Hội nghị quốc gia ứng dụng CNTT ngành y tế lần thứ VI ngày 15/5/2012 cho biết: Hiện nay 100% các đơn vị trực thuộc Bộ Y tế, Sở Y tế đã có mạng LAN và kết nối Internet, 74% cán bộ y tế sử dụng máy tính thông thạo trong công việc. Thống kê của Bộ TT&TT cũng khẳng định, tính đến nay có khoảng 2.230/11.111 trạm y tế cấp xã có máy tính nối mạng Internet (đạt 20,1%). Khu vực thành thị là 609/2.013 phường, thị trấn (đạt 30,3%); khu vực nông thôn 1.621/9.098 xã (đạt 17,8%).

Tại Việt Nam hiện nay, Internet đang ngày càng đóng vai trò chủ chốt trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo với các chương trình đào tạo trực tuyến và tập trung phát triển mạng máy tính phục vụ cho giáo dục và đào tạo, kết nối Internet tới tất cả các cơ sở giáo dục và đào tạo. Tính đến năm 2010, tất cả các cơ sở giáo dục trên cả nước đã có kết nối Internet. Với thành quả này, 29.559 cơ sở giáo dục, hơn 25 triệu cán bộ quản lý, giáo viên, học sinh trong cả nước đã có điều kiện tiếp cận Internet phục vụ công tác quản lý, giảng dạy và học tập, tìm kiếm thông tin, tài liệu.

Trong công nghiệp CNTT, lĩnh vực công nghiệp phần mềm và dịch vụ CNTT giai đoạn 2006-2010 đạt được tốc độ tăng trưởng cao cả về doanh số và thị trường. Tốc độ tăng trưởng doanh thu lĩnh vực này trung bình hơn 30%/năm, đạt trên 1 tỷ USD năm 2010, gấp 4 lần so với năm 2005, trong đó xuất khẩu chiếm tỷ lệ khoảng 35%, tăng hơn 5 lần so với 2005. Số lượng doanh nghiệp phần mềm, dịch vụ CNTT tăng nhanh: tính đến năm 2010, cả nước có khoảng trên 1.000 doanh nghiệp, tăng gấp 2,5 lần so với năm 2005, trong đó chủ yếu tập trung tại tỉnh, thành phố lớn, với nhân lực trên 70.000 người.

Công nghiệp nội dung số tuy chỉ mới phát triển trong mấy năm gần đây nhưng tốc độ tăng trưởng hàng năm luôn đạt hơn 40%. Năm 2010, tổng doanh thu ngành công nghiệp nội dung số Việt Nam đạt 934 triệu USD, tăng gần 9 lần doanh thu của năm 2005. Hiện nay các doanh nghiệp nội dung số Việt Nam đang mở rộng địa bàn hoạt động và đã cung cấp dịch vụ cho một số thị trường nước ngoài như Lào, Campuchia, Indonesia, Hàn Quốc,...

 
Phản hồi

Người gửi / điện thoại

Nội dung

 
Thiết kế bởi Thiết Kế Web Giá Rẻ